Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Với tôi, “những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” là cảm giác khoan khoái sau cơn mưa dài, là kiểu hít một hơi thật sâu rồi để những bận tâm ồn ào theo cái thở ra mà tan biến.
Takako đến phụ việc tại hiệu sách cũ Morisaki của người cậu lập dị Satoru khi lòng còn chông chênh hậu chia tay. Tôi đã đoán… sách sẽ mở ra một chân trời mới cho cô gái trẻ này, nhưng không phải sách mà là những con người đam mê sách cũ ở khu phố Jimbocho. Tôi ấn tượng cách những nhân vật kể về quyển sách họ đã đọc bởi họ đang tiết lộ một phần những trải nghiệm “riêng tư” của mình. Điều này khiến tôi trân trọng những người tôi gặp gỡ. Dĩ nhiên là có người tốt, kẻ hay ho và lắm kẻ chiêu trò. Nhưng ai cũng dạy mình cái gì đấy và ai rồi cũng phải học bài học nào đó, phải không?
Những thứ như hoài bão hay lối sống được kể mà chẳng có sự bứt phá đáng kinh ngạc của nhân vật, chỉ là tâm sự giữa ông cậu Satoru và Takako bởi “chuyện mình thực sự đang kiếm tìm cái gì có lẽ không thể ngay lập tức biết được.” Sự dài hạn này, tôi nghĩ, là lý do cho sự nôn nóng về đích trong cuộc ‘marathon’ với những chuẩn mực xã hội và ta quên rằng “dù ở đâu hay với ai, chỉ cần có thể thành thật với trái tim thì đó sẽ là nơi dành cho mình.” Thì ra, đi một vòng lớn là để quay lại học cách hiểu chính mình.
Tôi muốn nói đến câu chuyện của cô Monoko, chuyện xảy thai và quyết định phá thai. Tôi không nghĩ đây là một vấn đề được hiểu thấu đáo bởi những người phụ nữ như thế có lẽ đã chẳng thể diễn tả những xáo động dữ dội trong lòng. Khi tôi xem phim Juno, tôi nhớ nhất cảnh cuối phim - người bạn trai ôm lấy Juno sau khi cô sinh em bé và Juno đã khóc rất nhiều. Sự vụng về của cái ôm đó thành ra hay vì có lẽ đàn ông khó mà hiểu được nội tâm phụ nữ và cái ôm đó cũng không cần là sự đồng cảm mà là cảm giác luôn bên cạnh. Khoảnh khắc cậu Satoru và cô Monoko ôm nhau khóc trước dòng suối sau chùa nơi thờ đứa con không được sinh ra của họ, chỉ cần vậy thôi.
Tôi yêu sự náo nhiệt và điềm tĩnh đồng điệu ở cạnh nhau tại khu phố Jimbocho này.